Hạt Giống Tâm Hồn

Quyển 06 - Chương 06: Bước tới bằng niềm tin



Tôi tận dụng hết mọi thiên thời địa lợi đến với tôi, kết quả tốt đẹp tự nó sẽ theo sau.

- Sara Teasdale

Hôm nay tôi trông những luống hoa tuy-líp trong vườn. Thật ra, tôi trồng chúng với hy vọng mùa xuân tới, khu vườn sẽ rực rỡ lên khi không khí trong lành và cơn mưa xuân xóa tan những vết tích của mùa đông. Chúng có thể ra hoa màu đỏ, màu vàng hoặc màu tím. Tôi không biết, nhưng tôi tin rằng mùa xuân sẽ đến, và dù hoa tuy-líp mang màu gì cũng được, chúng sẽ thêm vào một chiều hướng khác biệt cho cuộc đời tôi. Đó là điều Thánh Paul đã nghĩ ngợi khi ông nói: "Chúng ta bước tới bằng niềm tin, không phải bằng ánh mắt". Niềm tin sẽ dẫn mọi điều tốt đẹp đến với cuộc đời chúng ta.

Một cô bé có lọn tóc vàng hoe rủ xuống má nói với tôi:

- Chào bác. Bác là mẹ của Doug phải không ạ?

Tôi quỳ xuống, nhìn thẳng vào đôi mắt của cô bé bốn tuổi và trả lời:

- Phải đó.

- Cháu chỉ muốn nói cháu với bác rằng cháu rất thích Doug. Bạn ấy thật đặc biệt.

Tôi nói với vẻ tò mò:

- Bác biết. Vậy hôm nay Doug đã nói chuyện với cháu chưa?

Cô bé đáp với vẻ chắc chắn:

- Chưa ạ. Nhưng cháu rất thích bạn ấy.

Tôi mỉm cười thật sung sướng và nói:

- Bác cũng vậy.

Đó là những câu nói được thốt ra cách đây mười lăm năm khi tôi đến đón Doug - đứa con trai đang học mẫu giáo. Chúng khắc sâu trong tâm trí tôi suốt bấy lâu nay, vì mãi đến giờ này tôi mới có đủ can đảm để viết lại. Doug mắc bệnh tự kỷ, và nó luôn chui rúc vào cái vỏ tự kỷ của nó. Nhưng cô bé tóc vàng nói đúng. Doug là một đứa trẻ rất đặc biệt.

Ớ trường mẫu giáo, Doug không nói năng nhiều, hầu như suốt ngày nó chỉ ngồi im trong một góc phòng, hoàn toàn cách biệt với bạn bè. Nếu có giao tiếp, nó chỉ nói chuyện với thầy cô chứ không nói chuyện với bạn học. Trong thời gian này, Doug cũng tham dự lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Và rồi nhiều người đề nghị chúng tôi chuyển nhà đến thành phố St. Louis, nơi có một trường học đặc biệt dành cho đám trẻ như Doug. Theo chẩn đoán, nó không thể phát triển hơn nữa, và nó có thể sẽ ngồi hoài một chỗ mà xoay tròn các món đồ như vậy cho đến suốt đời. Chúng tôi quyết định không chuyển nhà. Vợ chồng tôi cho rằng cuộc sống như vậy không phải dành cho chúng tôi, càng không phải dành cho con trai chúng tôi. Chúng tôi trang bị cho mình bằng lòng can đảm, kiến thức, sự kiên trì và niềm tin.

Tại một trường tư thục, Doug học tập đọc trong khi khom mình dưới một khung gỗ và nghe Sơ Monica giảng bài trong những lớp ít học sinh hơn. Nhưng xong chương trình lớp một, nhà trường đề nghị chúng tôi tìm kiếm sự giúp đỡ đặc biệt cho Doug tại một trường công, nơi tiền quỹ hỗ trợ cho các học sinh loại này luôn dồi dào.

Trong những năm tiếp theo, Doug được chữa trị về ngôn ngữ, được chữa trị về lao động, được chữa trị về vật lý trị liệu, được học kèm, được tham gia nhiều hoạt động tập thể như lớp học ngày Chủ Nhật, nhóm hướng đạo sinh, học võ karate, bóng đá, âm nhạc... Khoảng năm hoặc sáu ngàn tiết học đặc biệt như vậy dành cho Doug.

Chúng tôi đang ươm mầm, và trên hết, chúng tôi có niềm tin. Chúng tôi tin rằng mình đã làm đúng.

Doug tốt nghiệp trường trung học Chaparral, thành phố Las Vegas, bang Nevada, vào ngày 4 tháng 6 năm 1990. Bằng tốt nghiệp của nó được xếp hạng 72 trên 442. Một tuần trước đó, Doug nhận được giấy báo là nó được nhận vào học chương trình dành cho người khuyết tật của đại học Nevada. Ớ đó, nó sẽ là tay trống cho đội quân nhạc của nhà trường, và dĩ nhiên chúng tôi sẽ không bỏ sót một buổi diễn nào có mặt Doug.

Cuộc sống tiếp tục trong màu sắc và ánh sáng chói lợi của nó. Mỗi mùa xuân, chúng tôi phát hiện một điều ngạc nhiên mới mà có lẽ nó đã được chúng tôi ươm trồng trước đó, và nó chờ đợi điều kiện thuận lợi để phát triển và nở hoa.

Cô bé cùng học mẫu giáo với Doug ngày nào không biết rằng nó đã nuôi dưỡng niềm tin cho tôi vào buổi sáng hôm đó khi nó lên tiếng chào tôi bằng câu: "Cháu rất thích Doug".

Và tôi đã đáp:

- Bác biết.

Trước khi cô bé đi khỏi, tôi hỏi nó:

- Cháu tên gì?

Cô bé vừa vuốt lọn tóc vàng xoã bên má vừa trả lời:

- Niềm Tin. Tên cháu là Niềm Tin.

Quả đạn đại bác

Làm sao tôi có thể biết một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi chiều có thể gây ra mọi xáo trộn trong đời tôi? Công việc ở Savannah và những chuyến đi đi về về hầu như nuốt hết thời gian của tôi. Ngay cả trong ngày nghỉ của gia đình mà tôi còn thấy mệt mỏi đến mức không muốn chơi đùa gì cả.

Meredith, đứa con gái mười tuổi đứng bên mép hồ nài nỉ tôi:

- Nhanh lên, mẹ! Mẹ phải chơi với con! Mẹ hứa rồi!

Nó thảy tấm ván trượt xuống nước và nhảy lên tấm ván mong manh đó. Tôi lầu bầu:

- Được rồi. Nhưng mẹ không chắc mẹ còn nhớ cách chơi.

Thế đấy. Những buổi họp và những việc làm cấp bách theo thời hạn đã tước đi cảm giác tươi trẻ của tôi. Tôi không muốn xuống hồ nước chút nào.

Tôi ngửi thấy mùi thuốc khử trùng, và bỏ các món đồ linh tinh xuống ghế. Ánh mặt trời giữa buổi sáng rọi lên đầu tôi. Tôi hỏi to:

- Thế nào?

- Không lạnh lắm. Mẹ xuống đi!

- Chờ một chút.

Tôi cố kéo dài thì giờ. Tôi không muốn làm ướt mái tóc hoặc phô ra thân hình xấu xí trước mặt mọi người. Tôi vờ như không nghe tiếng Meredith đếm để hối thúc tôi.

Trong giây lát, tôi hình dung cảnh mình nằm dài trên ghế, ẩn mình dưới cặp kính mát. Dĩ nhiên, không một người mẹ nào được phép hưởng thụ giây phút thảnh thơi cho riêng họ. Họ phải chơi trong hồ nước, leo lên và leo xuống, đi lòng vòng với con cái để mọi người cùng thấy.

- Mẹ? Mẹ xuống không?

Tôi thở dài, hóp bụng lại, bước đi giữa những người hình như có vóc dáng thật hoàn hảo để tới chỗ nước cạn cuối hồ. Tôi ngồi xuống bậc trên cùng, thòng hai bàn chân xuống mặt nước và kêu lên:

- Ôi! Lạnh quá!

Meredith đang nhảy nhót trước mặt tôi, nó nói:

- Mẹ nhảy xuống sẽ thấy dễ chịu hơn.

- Nếu con té nước lên người mẹ, mẹ sẽ trở về chỗ cũ đấy.

Cảnh cáo con bé xong, tôi nhẹ nhàng chuồi mình xuống, cảm thấy làn nước lạnh ngắt trên cánh tay. Tôi rên rỉ:

- Ôi. Nước lạnh quá!

Tôi tìm cách tránh đám trẻ con đang la hét, xô đẩy nhau, và té nước vào nhau.

Ngay lập tức, tôi nhớ những mùa hè thời thơ ấu cùng bạn bè ở vui chơi hồ bơi và thực hiện động tác mà tôi yêu thích. Quả đạn đại bác! Mình có thể có được tâm trạng vô tư như vậy nữa không?

Meredith leo lên bờ hồ, nó nói to với tôi:

- Mẹ! Xem con lặn xuống đây!

Nó nhón chân, giơ thẳng hai tay, phóng xuống hồ bằng một động tác thật tuyệt vời. Tôi khen:

- Chà. Không một gạn sóng.

Nó rạng rỡ bơi tới chỗ tôi. Nước nhỏ giọt giọt theo lông mi, nhưng ánh mắt nó vẫn sáng ngòi.

Nó lại tập nhảy xuống hồ thêm nhiều lần nữa, động tác tạo thành hình vòng cung thật đẹp. Nó nói to:

- Một lần cuối cùng.

Nó nhón chân, giơ thắng hai tay, phóng người lên không trung và... Nó ôm chặt hai đầu gối vào sát ngực, rơi xuống mặt nước giống như một quả đại đại bác, nước văng tung tóe khắp nơi. Tôi vỗ tay hoan hô:

- Được lắm! Được lắm!

Nó lao đến đứng trước mặt tôi, vừa cười vừa nói:

- Thật tuyệt vời! Giống như con đang bay vậy. Mẹ biết trong lúc đang ở giữa không trung, con đã cầu nguyện điều gì không? Con lầm thầm "Cầu cho bộ đồ bơi của con đừng bung ra..." Ôi, tuyệt lắm mẹ ơi. Mẹ, đi theo con đi.

Tôi nhắm mắt lại, chùi người xuống nước với nó. Bên dưới, làn nước lạnh ngắt yên tĩnh và tuyệt diệu. Meredith bơi trước tôi một sải tay. Tôi bắt chước động tác giống nó, để mặc thân thể lướt đi. Tôi nghĩ bụng: À, đây là thiên đường. Vậy tại sao mình không muốn bước vào? Tôi sợ người ta nhìn thấy thân hình xấu xí của mình sao? Căng thắng trong lòng tôi biến mất, như làn sóng biển xô dạt những mảnh vỏ sò vào trong bờ.

Thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi thả ngửa, để mặc mái tóc bồng bềnh trên mặt nước. Rồi chúng tôi bơi đứng, đạp nước như chó, vận động cả tứ chi để đánh thức bắp thịt từ lâu đã ngủ quên. Chúng tôi bám vào hai bên tấm ván trượt của nó và nói chuyện. Nó thủ thỉ:

- Có nhiều việc đã xảy ra mà con không có thì giờ để kể với mẹ.

Rồi nó kể lể hết tin tức này đến tin tức kia cho tôi nghe. Cuối cùng, đôi mắt đen lóng lánh của nó nhìn tôi chăm chú và hỏi:

- Mẹ thấy vui không?

Tôi gật đầu, nhìn đáp lại nó rồi hỏi:

- Gì vậy con?

Nó ôm chặt tôi và nói:

- Mẹ là người mẹ đẹp nhất trên đời. Con yêu mẹ.

Giọng nói của nó chợt êm dịu hẳn, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được điều này. Tôi đáp lại và giọng bỗng lạc đi:

- Mẹ cũng yêu con.

- Mẹ ơi, hôm nay là một ngày đẹp nhất.

Tôi gật đầu lần nữa, lòng thầm cám ơn vì mình đã không để mất khoảnh khắc này chỉ vì e sợ không muốn để lộ gương mặt mộc, và thân hình không còn gọn gàng như xưa. Khi leo lên khỏi hồ nước, tôi thề rằng mình sẽ điều chỉnh lại thói quen hằng ngày để khi đến lúc nghỉ ngơi là phải chơi đùa cho đúng ý nghĩa của nó.

Nếu họ khác đi...

Tôi ngồi ăn món thịt nướng cùng Steve, anh trai của tôi. Chúng tôi đang tham dự buổi picnic được tổ chức cho người trưởng thành bị khiếm khuyết về tâm than. Steve ở chung với một nhóm năm người đàn ông khác. Anh bị bệnh Down - và bị xem là dạng nặng.

Khuôn viên đông đúc người bệnh đủ loại và đủ mọi mức độ khác nhau. Không phải lúc nào người ta cũng có thể phần biệt ai là nhân viên của công ty và ai là người bệnh. Gần chỗ chúng tôi có một DJ đang chơi nhạc và anh ta được nhiều người hưởng ứng: có người đứng lên nhảy nhót, có người lắc lư trên xe lăn, một số khác nhún nhẩy với cái khung tập đi.

Ngồi đối diện với tôi là một phụ nữ trẻ xinh đẹp. Cô ấy đeo tai nghe, bên cạnh có nhiều cuộn băng cát-sét. Tôi để ý thấy cô ấy có những móng tay được chăm sóc thật đẹp, có nét mặt trang nhã và được trang điểm vừa phải. Cô ấy ăn món xa-lát trái cây, mỗi lần gắp từng chút một. Khi ngước nhìn lên thấy tôi, cô ấy mỉm cười. Tôi không thể không cười đáp lại. Cô ấy nói:

- Tôi cắn từng miếng nhỏ.

Không biết có phải cô ấy nói với mình không, tôi hỏi lại:

- Cô nói sao?

- Tôi ăn từng miếng nhỏ.

Cô ấy nói thật chậm để tôi hiểu rồi mỉm cười với ý chờ đợi. Tôi đáp:

- À, cắn từng miếng nhỏ là cách ăn thích hợp đấy.

Cô ấy có vẻ hài lòng với câu trả lời, và tiếp tục ăn món xa-lát.

Khi ăn xong, cô ấy giới thiệu tôi với những người ngồi bên cạnh. Rồi cô ấy nói tiếp:

- Tôi đang chờ một người bạn. Tôi gặp anh ấy tại một buổi luyện tập, và tôi mua Sprites cho anh ấy uống. Anh ấy thích nước giải khát này lắm. Anh ấy là bạn trai của tôi, và anh ấy sắp đến đây.

Tôi đáp:

- Cô đối đãi tuyệt vời lắm. Tôi tin là anh ấy thích Sprites.

Cô gái nói tiếp:

- Anh ấy hát cho tôi nghe. Tên anh ấy là Ricky. Ricky Ricardo.

Sau đó, cô gái đeo tai nghe lên. Mỗi khi có người đi ngang qua, cô gái đều kể lại câu chuyện đó. Nhiều người phản ứng cứ như họ đã từng nghe câu chuyện đó rồi.

Lòng tôi đau xót. Tôi nhìn cô gái xinh đẹp ngồi đối diện tôi, với những móng tay được tỉa thật khéo, với nụ cười thật hoàn hảo, và tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Điều gì khiến cho cô gái này chờ đợi Ricky Ricardo đến dự picnic và hát cho cô ấy nghe để cô ấy có thể mua chai Sprites cho anh ta? Tôi có thể hình dung ra cô ấy - nếu cô ấy khác đi. Tôi tưởng tượng cô ấy đang vui cười với bạn bè, đang la hét cùng những cô gái khác, hoặc đang nắm tay những chàng trai cùng trang lứa.

Với anh tôi, khó mà hình dung được ảnh như thế nào nếu ảnh khác đi. Steve không thể nói và hầu như không hề biết đến sự hiện diện của tôi. Tuy vậy, thỉnh thoảng ảnh cũng tằng hắng, phát ra âm thanh nho nhỏ, hoặc ho lên, và tôi ngạc nhiên trước giọng của ảnh. Tôi có thể nghe tiếng không khí cọ xát khi ảnh gọi to tên tôi, hoặc cười hăng hắc, hoặc chọc ghẹo tôi như các ông anh trai hay làm. Những giây phút đó sẽ làm tôi khó chịu đấy, nhưng chúng hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, cô gái có nụ cười xinh đẹp này thì quá sức chịu đựng của tôi. Tôi có thể thấy mắt mình ươn ướt khi đang ngắm nhìn cô ấy. Tôi tự hỏi làm thế nào mẹ cô ấy - người đang ngồi bên cạnh - lại có thể chịu đựng nổi. Cô gái chợt nhìn lên và có vẻ cảm nhận được nỗi buồn của tôi. Như muốn cam đoan rằng mọi việc sẽ tốt đẹp, cô ấy nói:

- Ricky sắp đến rồi.

Vẫn nở nụ cười duyên dáng đó, cô gái nhìn ra phía cửa.

Và điều kỳ diệu thật sự xảy ra. Ricky xuất hiện. Anh ta không hoàn toàn giống Ricky Ricardo trong suy nghĩ của tôi. Anh ta không có trống lục lạc, không mặc y phục màu đen hoặc màu trắng. Trái với sự mong đợi của tôi, anh ta mặc quần áo sặc sỡ từ đầu đến chân. Anh ta đội mũ bảo hiểm trên đầu và nó được dán băng keo màu sắc chằng chịt. Anh ta bước thắng đến chỗ chúng tôi với dáng đi khập khiễng.

Cô gái đón chào anh ta với kiểu cách của một quý tiểu thư. Cô ấy quay qua tôi và nói:

- Đây là Ricky.

Chúng tôi chào nhau. Sau đó, họ rủ nhau bước ra sàn nhảy. Họ khiêu vũ, khiêu vũ và khiêu vũ. Dường như cô ấy không biết anh ta đang đeo dụng cụ bảo vệ đầu, và ngược lại, anh ta có vẻ không biết cô ấy phải đeo tai nghe.

Trong lúc nhìn họ, tôi chợt hiểu khái niệm "nếu họ khác đi... " hoàn toàn không quan trọng với họ. Nó không có thật. Thực tại đang ở ngoài kia, trên sàn nhảy, đang tự phơi bày qua chiếc kính vạn hoa sự chuyển động - tuy không hoàn hảo - nhưng đầy hân hoan. Và mặc dù nhiều người đang bước sai điệu nhạc, họ không hề bỏ lỡ nhịp điệu của cuộc sống dành cho họ. Và họ cứ khiêu vũ.

Chỉ cần bạn có mặt ở đó

Không phải mọi vấn đề rắc rối của trẻ thơ đều cần nhờ đến một chuyên viên tư vấn về tâm lý. Thật vậy, có một số trường hợp họ không thể giải quyết bởi vì chỉ cần bạn có mặt ở đó là được. Tôi đưa ra một ví dụ sau đây:

Cô con gái út Joiy của tôi vừa vào mẫu giáo và mọi việc diễn tiến tốt đẹp hơn tôi mong đợi, và tôi bắt đầu tận hưởng thời gian mà tôi được phép rảnh rỗi. Mỗi sáng, Lisa, con gái lớn được tám tuổi, nắm tay Joiy và hai chị em cùng nhau đến trường. Lisa có vẻ rất thích thú khi được thay mẹ chăm sóc em.

Một sáng nọ, tôi tận dụng cơ hội rảnh rỗi để đi mua sắm. Lần đó, tôi mua cho Lisa tấm thiệp Pokémon và cho Joiy đôi ủng mùa đông có cột dây giống như đôi ủng của chị nó. Cả hai đứa đều thích thú, tưởng chùng như thế giới trẻ thơ là điều thật tuyệt diệu. Nhưng điều đó không kéo dài lâu.

Một buổi sáng, Joiy thức dậy, nhưng ngay sau đó con bé rên rỉ:

- Mẹ ơi, con không khỏe. Con bị đau bụng.

Đúng là tình thế khó xử cho một bà mẹ. Một câu rên rỉ mơ hồ như vậy có thể chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi có cần cho nó ở nhà không? Có đúng là nó đau bụng không? Hay là ở trường có điều gì đó làm nó sợ? Sau vài câu hỏi nhẹ nhàng với nó, tôi thấy tình hình không có gì nghiêm trọng nên buộc nó phải đi học.

Sáng hôm sau, cảnh tượng đó lặp lại... hôm sau và hôm sau nữa. Nó bắt đầu không thèm ăn sáng, hoặc kéo dài thời gian thay quần áo để lúc nào cũng trễ nải. Từ bực mình tôi chuyển qua tức giận, và tôi đã la mắng nó nhiều hơn.

Một buổi sáng, nó không chịu mang đôi ủng mới mà nó từng nằng nặc đời mua. Nó rên rỉ:

- Con muốn mang lại đôi ủng cũ được không?

Tôi đã quăng đôi ủng cũ mòn tả tơi rồi. Nhưng đòi hỏi của nó làm tôi bực mình lắm. Tôi nghĩ Lisa có thể hiểu được chút gì chăng. Nhưng nó trả lời thật nhanh trước khi chạy đi chơi:

- Con không biết gì đâu, mẹ ơi.

Tôi vắt óc tìm câu trả lời. Ớ trường có ai chọc ghẹo nó chăng? Hay là cô giáo quá nghiêm khắc? Hay là nó còn quá nhỏ tuổi để đi học mẫu giáo, và cần ở nhà với mẹ thêm một thời gian nữa? Không phải mọi đứa trẻ lên năm tuổi đều sẵn sàng rồi mẹ để đến trường! Nó chỉ là một đứa bé thôi... Nhưng một ngày nọ, tôi có được lời giải đáp thật bất ngờ.

Chịu đựng như thế là quá đủ, tôi bèn đưa con bé đến trường và trao đổi với cô giáo của Joiy. Chúng tôi tới cổng trường vừa lúc chuông reo. Tất cả học sinh, kể cả hai đứa con tôi, chạy nhanh ùa vào như thể đang chạy đua xem ai vào lớp đầu tiên. Bên ngoài cổng, tôi quan sát tất cả học sinh cởi ủng thật nhanh, chạy theo hành lang để vào lớp. Lisa và những đứa khác tuột giầy thật nhanh trong khi Joiy vất vả tháo từng sợi dây giầy. Trông con bé đơn độc thật đáng thương.

Lập tức mọi thứ trở nên sáng tỏ. Tôi hiểu ngay vấn đề của Joiy. Nó sợ nó là người cuối cùng bị bỏ rơi một mình ngoài hành lang. Nó còn bé quá, tay chân chưa đủ nhanh nhẹn để tháo dây giầy như chị nó. Còn những đứa bằng tuổi nó thì mang giầy đơn giản hơn. Đôi ủng "tuyệt vời" chỉ khiến nó tụt lại phía sau các bạn, bị bỏ rơi. Chị nó lại không để ý điều đó - trẻ con mà!

Làm thế nào tôi biết mình nghĩ đúng? Ngày hôm đó, khi Joiy về nhà, tôi giải thích rằng đôi ủng mới tuy đẹp nhưng khó mang vào và khó cỏi ra. Tạm thời nó dùng đỡ đôi ủng cũ của chị nó. Joiy trả lời tôi bằng một nụ cười thật tươi, ôm chặt tôi và hôn tôi. Tôi cảm thấy nét mặt nó nhẹ nhõm hẳn. Và các sự cố mỗi sáng không còn nữa! Không còn đau bụng nữa!

Tôi tự hỏi, với những vấn đề dễ dàng như vậy thì một chuyên viên tâm lý có thể giải quyết như thế nào? Còn bao nhiêu vấn đề khác nằm trong phạm trù này? Nhưng giờ đây, thế giới tuổi thơ của các con tôi hoàn toàn tốt đẹp. vấn đề nghiêm trọng đã có cách giải quyết thật đơn giản. Nhưng với điều kiện, bạn phải có mặt ở đó đúng lúc.

Một thế giới tuyệt vời

Tôi giống như cây bút chì nằm trong bàn tay Thượng Đế, và Người đang gởi một lá thư yêu thương đến thế giới này.

- Mẹ Teresa

Tôi làm việc cho tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật từ nhiều năm nay. Ban đầu, trừ những chuyến đi dã ngoại hiếm hơi, trẻ khuyết tật ít có dịp tiếp xúc trẻ bình thường. Mặc dù việc học hành vẫn tốt đẹp, tôi cảm thấy học trò của tôi có phần bị tách biệt. Tôi không bao giờ nghe chúng hoặc cha mẹ chúng nói về vấn đề tham dự tiệc sinh nhật của đứa trẻ khác, hoặc chơi chung với bạn cùng lớp sau giờ tan học.

Một ngày nọ, trong chuyến đi tham quan và ăn trưa luôn ở cửa hiệu McDonald, tôi và một cậu học sinh nghe lỏm một bé gái hỏi mẹ nó rằng, nó có thể nói chuyện với cậu này về chiếc xe lăn mà cậu này đang sử dụng không.

Bà mẹ đưa ngón tay lên môi, liếc mắt xem chúng tôi có để ý hay không rồi nói nhỏ:

- Suỵt! Nói về những chuyện như thế không được lịch sự đâu!

Sau đó hai mẹ con rời khỏi cửa hiệu. Cậu học sinh quay qua tôi và hỏi:

- Tại sao họ nghĩ rằng không nên nói về chiếc xe lăn? Em sẽ rất vui nếu được nói chuyện với bạn ấy.

Nhìn theo hai mẹ con cô bé đẩy mạnh cánh cửa kính để ra ngoài, tôi đáp:

- Cô nghĩ, nhiều người họ không biết họ đang mất thứ gì.

Cậu này đáp:

- Chắc vậy... Rồi sẽ có một ngày người ngồi trên xe lăn cũng giống như mọi người khác.

Tối hôm đó, tôi bàn với chồng tôi - người điều hành một trường trung học - về khả năng học sinh trường anh ấy tổ chức công tác xã hội với lớp học đặc biệt của tôi. Kết quả là toàn thể học sinh và hội đồng giáo viên của trường gây quỹ để mua sắm thiết bị dành cho sinh hoạt vui chơi của lớp tôi. Cuối năm đó, tình bạn giữa hai bên càng thêm gắn bó. Trong buổi phát thưởng của nhà trường, lớp tôi được mời đến tham dự.

Tôi lo lắng nghĩ tới việc đưa các học trò đặc biệt của tôi ra trước một ngàn hai trăm học sinh của trường trung học. Một số em phải ngồi xe lăn, nhiều em không thể giao tiếp như người bình thường. Chúng tôi có thể làm gì để được những người khác chấp nhận? Tôi nghĩ đến bài hát "Một thế giới tuyệt vời" - bài hát kinh điển từng nổi tiếng với giọng ca Louis Armstrong. Chúng tôi hăng say tập hát điệp khúc của bài hát đó. Nói cách khác, điệp khúc này đã trở thành bài hát không chính thức của lớp tôi. Nếu có phải biểu diễn trước đám đông cả ngàn học sinh trung học, đây quả là bài hát thích hợp.

Ngày phát thưởng rồi cũng đến. Tất cả khán giả im lặng khi tôi và một vài đồng nghiệp đưa các em khuyết tật lên sân khấu - trên chiếc xe lăn và bằng khung tập đi. Tôi giải thích rằng, chúng tôi đến đây để cám ơn nhà trường đã giúp đỡ chúng tôi, và các học trò của tôi sẽ hát (và sẽ ra dấu) bài hát mà chúng yêu thích nhất. Tôi cũng nhắc khán giả biết rằng một số em không thể hát hoặc ra dấu thông thường được, chúng chỉ có thể gật đầu hoặc vỗ tay theo điệu nhạc. Rồi tôi mời tất cả học sinh trường trung học cùng hát theo đoạn điệp khúc.

Tôi hầu như nín thở khi các học trò của tôi bắt đầu hát. Chúng cất tiếng vào nhịp hơi nhỏ nhưng rồi âm thanh tăng dần theo từng nốt nhạc. Cuối cùng, toàn thể hội trường cùng hoà chung vào bài hát và tất cả mọi người cùng đứng lên để vỗ tay.

Cậu bé ngồi trên xe lăn - từng mong ước mọi người sẽ nó theo cách họ nhìn những người khác - hỏi tôi:

- Như vậy nghĩa là họ thích chúng em phải không?

Tôi mỉm cười và gật đầu.

- Vậy bây giờ em có thể nói chuyện về chiếc xe lăn được không?

Tôi sẽ không bao giờ quên niềm vui trên mặt cậu này và trên mặt những học sinh trung học khi chúng ùa lên sân khấu chúc mừng.

Những đứa học trò đặc biệt của tôi ngày nào giờ đây đang học ở các trường trung học khắp nơi. Năm tháng trôi qua, kỷ niệm lần biểu diễn được xem như một lời nhắc nhở rằng, mọi người đều có khả năng chia sẻ với nhau những điều tốt đẹp. Năm nào tôi cũng dạy lớp tôi hát bài "Một Thế Giới Tuyệt Vời" - hát bằng lời và cả bằng ra dấu. Và ở mỗi lần biểu diễn, tôi ngạc nhiên lẫn vui sướng trước tinh thần nhân đạo và niềm hân hoan mà bài hát đã đưa mọi người đến với nhau.

HẾT TẬP 6